Hoàng Khai Nhan
Khoảng năm 1957, 1958, tôi học Đệ Lục, Đệ Ngũ (lớp 7 lớp 8 bây giờ) ngoài Tuy Hòa, Phú Yên. Năm ấy vào dịp nghỉ Hè, thầy mẹ tôi cho tôi theo ông nội vào Sài Gòn chơi mấy tháng Hè. Dịp này, tôi đã gặp lại em Nguyễn Duy Phiên con chú dì Uân -- dì Uân là em ruột mẹ tôi; em Hoàng Quốc Bảo, em Hoàng Kim Chi, em Hoàng Thu Trang, em Hoàng Bích Ngọc, em Hoàng Doãn Mẫn con chú thím Minh -- chú Minh là em ruột bố tôi.
Ông Nội và Gia Đình Thím Minh Từ trái qua phải: Chi, Trang, Mẫn, Môn, Ông Nội, Ngọc, Mai, Mỹ, thím Minh bế Mậu (Hình em Hoàng Danh Môn cung cấp) |
Phiên và Bảo cùng trang lứa, hai em chỉ thua tôi chừng bốn năm tuổi, nên ba chúng tôi thường gặp nhau, quây quần, chơi đùa hợp lắm. Chú Uân thuở ấy có một quầy bán kính ở đường Lê Thánh Tôn gần chợ Bến Thành, Sài Gòn. Hàng ngày chú chăm sóc tiệm bán kính, vào những lúc rảnh rỗi thì lại lôi sách vở ra tự học. Chú Uân rất chăm chỉ học hành, đã đậu bằng Cử Nhân Văn Khoa sau mấy năm miệt mài sách vở trong lúc buôn bán bên đường.
Gia đình chú thím Tiêu, người em trai thứ hai của bố tôi, lúc bấy giờ cũng ở Sài Gòn trong một con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo, gần Thành 73. Em Hoàng Mai Dung cũng trạc tuổi em Bảo, các em sau em Dung lúc bấy giờ hãy còn nhỏ: em Hoàng Phương Lan, em Hoàng Phương Thảo, em Hoàng Băng Tâm, em Hoàng Vĩnh Tuy, em Hoàng Văn Tuyên, em Hoàng Thiệu Tường, và em Hoàng Bội Ngọc. Tôi cũng ở nhà chú thím vài ngày. Chú thích ăn cơm nấu nhão, nên hồi đó tôi cũng quen ăn cơm nhão một thời gian.
Gia Đình chú Hoàng Ngọc Tiêu Trái sang phải: Lan, chú Tiêu, Bội Ngọc, thím Tiêu, Thảo (Các em sau không có trong hình: Dung, Tâm, Tuy, Tuyên, Tường) |
Nhà chú dì Uân và nhà em Bảo mãi bên Khánh Hội. Chú dì ở gần chợ Xóm Chiếu. Nhà Bảo ở đường Tôn Đản. Sau năm di cư 1954, phần lớn bà con Dưỡng Thông ta đều ở Khánh Hội. Phiên và Bảo dẫn tôi đi chơi cùng khắp, đánh đáo, bắn bi, liệng phéng cùng lũ trẻ nhỏ trong các xóm nhà lá, nhà tôn khắp vùng. Tuổi nhỏ thật trong sáng hồn nhiên và nghịch ngợm. Thương thằng cháu từ quê lên tỉnh nên dì tôi đã dẫn đi may quần áo mới cho tôi, diện lên trông như chàng công tử Bạc Liêu thứ thiệt!
Nơi đây, thuở ấy tôi đã học được ở các em tôi ngày ngày ra đường tắm mưa, cũng như quây quần nghe người lớn hàng xóm tụ tập hát vọng cổ và la lối om xòm ỉ ả. Cóc ổi dầm, khô mực nướng cán mỏng, đá nhận tưới xi-rô là những món ăn vặt khoái khẩu lần đầu tôi được thưởng thức trong đời.
Chú Minh dẫn tôi và em Mẫn đi chơi trong vườn Tao Đàn, Sài Gòn |
Ở bên Khánh Hội vài ngày, rồi nhà chú Tiêu vài ngày, tôi lại qua ở nhà chú thím Minh. Cứ thế qua lại, thay đổi. Nhà chú Minh ở trong con hẻm đường Tô Hiến Thành trước chợ Hòa Hưng. Các em Chi, Trang, Ngọc, Mẫn khi ấy còn bé. Tôi nhớ loáng thoáng hình như lúc ấy gia đình chú thím Hộ cũng ở trong nhà chú thím Minh thì phải. Chú Hộ cũng họ Hoàng. Nhưng chú vào Nam một mình nên ông tôi nhận làm con. Ở đây chiều chiều tôi cũng hay ra đường tắm mưa. Mưa Sài Gòn ào ào như trút nước nhưng rất mau tạnh. Em Chi thấy tôi tắm mưa thì thích lắm, xin mẹ ra tắm nhưng thím không cho. Thím bảo con gái con lứa ai lại tắm ngoài đường! Chú thím Minh hay dẫn chúng tôi đi chơi phố, sở thú, vườn Tao Đàn, và vào ăn uống trong những tiệm ăn thật ngon ở Sài Gòn.
Trong Vườn Tao Đàn Phía sau: Tôi và thím Hộ Trái qua phải phía trước: Ngọc, Mẫn, Trang, em Nga (con chú thím Hộ), Chi |
Ông nội tôi theo bố tôi và các chú vào Nam. Bà nội tôi ở lại Rãng Thông, nghe nói vì không muốn xa ruộng nương quê cha đất tổ nên bà không chịu theo ông vào Nam. Nhưng cũng vì chuyện ruộng nương mà bà bị đấu tố hành hạ rồi qua đời sau đó, để lại thằng cháu Hoàng Thế Phiệt bơ vơ một mình. Phiệt là em kế tôi, vì chiến tranh, em bị kẹt lại nhà quê ở với bà nội, mà không vào Nam được với chúng tôi. Ông thương nhớ bà nên ở vậy không lấy ai. Phiệt khi lớn đi bộ đội và đã chết ở đường 9 Nam Lào.
Ông nội tôi hay mặc khăn đóng áo dài, xách ô đi chơi cả ngày. Có nhiều lần tôi theo ông, trưa đói ông dẫn vào quán cơm bình dân. Ăn xong ông và thằng cháu lại lang thang. Khi gặp chỗ có bàn cờ tướng là ông ngồi xuống đánh, mê mẩn quên cả thằng cháu đứng cạnh ông chờ đợi không dám hó hé và than vãn một tiếng nào. Ông nội tôi khó tính lắm. Không vừa lòng là mắng mỏ ngay, thành ra ai cũng sợ ông. Hồi đó chắc ông chừng bốn năm chục tuổi thôi, mà đi đâu cũng khăn đóng áo dài, tay xách ô, râu ông để dài đến rốn! Thế mà sau này khi tôi lấy vợ, ông lại rất thương và quí mến Hiền. Vợ tôi là con gái đầu lòng của "bác" Xuyến. Khi xưa ngày còn trai trẻ "bác" Xuyến, người cùng làng, họ Phạm-Ngọc, là bạn thân của các chú tôi.
Ông nội tôi hay mặc khăn đóng áo dài, xách ô đi chơi cả ngày. Có nhiều lần tôi theo ông, trưa đói ông dẫn vào quán cơm bình dân. Ăn xong ông và thằng cháu lại lang thang. Khi gặp chỗ có bàn cờ tướng là ông ngồi xuống đánh, mê mẩn quên cả thằng cháu đứng cạnh ông chờ đợi không dám hó hé và than vãn một tiếng nào. Ông nội tôi khó tính lắm. Không vừa lòng là mắng mỏ ngay, thành ra ai cũng sợ ông. Hồi đó chắc ông chừng bốn năm chục tuổi thôi, mà đi đâu cũng khăn đóng áo dài, tay xách ô, râu ông để dài đến rốn! Thế mà sau này khi tôi lấy vợ, ông lại rất thương và quí mến Hiền. Vợ tôi là con gái đầu lòng của "bác" Xuyến. Khi xưa ngày còn trai trẻ "bác" Xuyến, người cùng làng, họ Phạm-Ngọc, là bạn thân của các chú tôi.
Thời gian nó cứ đi qua, vô tình, chẳng chờ chẳng đợi ai cả. Ông nội tôi đã mất năm 1975 sau khi gia đình chú Tiêu đến bến bờ Tự Do. Ngày ông mất chú Minh bị bắt đi tù. Sau những năm tù tội đói khổ ngoài Bắc, chú Minh cũng đã đi theo ông bà và thím Minh. Vợ chồng tôi nghe tin buồn chú mất ngày chúng tôi và Phiên đến đảo Bành Hồ Đài Loan. Em Mẫn em Mỹ cũng thay phiên theo ông nội, theo bố theo mẹ. Bố tôi và thím Minh Cả cũng đã theo ông bà nội tôi. Chú thím Tiêu và em Tuy nay cũng ra người thiên cổ. Trên bia mộ của chú thím có khắc bức ảnh hai ông bà ngồi ngắm hồ Đà Lạt trông thật lãng mạn tình tự. Bố mẹ vợ tôi mà chúng tôi gọi là "Cậu Mợ" cũng không còn nữa.
Từ trái qua phải: Em Hoàng Tế Mỹ (con chú thím Minh), em Hoàng Băng Tâm (con chú thím Tiêu) |
Bây giờ tuy sống xa quê nhưng trong lòng chúng tôi lúc nào cũng hướng về quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi từ đó có ta... Năm ngoái vợ chồng em Chi đã về nước đem tro cốt các vị ra Vũng Tàu, để các vị hòa mình vào làn nước mát quê hương. Từ nay anh hồn các vị đã được tự do, ngày đêm nghe tiếng sóng rì rào cùng trăng thanh gió mát. Chúng con tri ân các vị và Tổ Quốc cũng ghi ơn các vị.
Hoàng Khai Nhan
California, July 1st, 2017
Hoàng Khai Nhan
California, July 1st, 2017
No comments:
Post a Comment