Menu

Gia Phả - Phần II

PHÁT TÍCH


Hiện nay chúng ta không thể tỉ mỉ ngược lần về lối cũ, tìm được dấu vết của tổ tiên nữa.  Chỉ biết rằng:

Vào cuối thế kỷ XVI, thời Hậu Lê, giặc cướp nổi lên tứ tung, vùng tỉnh Nam (Nam Định) tức là vùng châu thổ sông Hồng Hà, là nơi dân đến lánh nạn, khai hoang cày cấy.  Họ Hoàng nhà ta cũng đến lập nghiệp tại ấp Dưỡng Thông, huyện Chân Định, phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định (dưới triều Lê).  Sau đổi là xã Dưỡng Thông, tổng Thịnh Quang, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình (dưới triều Nguyễn).

Đến đời Đồng Khánh, vì nhà vua có tên húy là Chân, mới đổi huyện Chân Định thành Trực Định.

Đến đời Khải Định thì bỏ tên huyện đi mà chỉ dùng tên phủ thôi. Cổng thành phủ Kiến Xương trên cao vẫn còn phiến đá khắc 4 chữ "Chân Định Huyện Môn."  Dấu tích này đã bị phá đi vào mùa Thu năm 1945.

Sau này quê ta đổi là thôn Dưỡng Thông, xã Thượng Hiền (xã có 4 thôn: Dưỡng Thông, Vũ Lăng, Văn Lăng, và Phú Mỹ), huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Từ trước làng ta vẫn mang tên là làng Dưỡng Thông (hay Rãng, hay Rãng Thông) và chia làm 5 thôn: Đông Ninh, Bắc Khang, Trung Quý, Nam Thọ, và Tây Phú.



6 ĐỜI ĐẦU TIÊN

  1. Đời Thứ Nhất: Cụ Huyền Sảng -- Cụ thủy tổ họ Hoàng tên hèm là: Hoàng Gia Đạo Phái Huyền Sảng Tổ Sư. Ngày giỗ: mồng 2 tháng 10 âm lịch. Cụ từ nơi khác, trong gia phả không ghi nhưng theo kể lại là Cụ từ Hải Dương hoặc Hưng Yên gì đó, đến lập nghiệp tại xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cách đây khoảng hơn 300 năm (chính là khu vực Từ đường  họ ngày nay). Cụ làm phù thủy rất cao tay, có nhiều con công đệ tử, khi còn sống cụ có đạo hiệu là: Huyền Sảng Pháp Sư. Khi mất tên hèm là: Huyền Sảng Tiên Sư. Đến đời tôn mới đổi là: Huyền Sảng Tổ Sư.  Bàn thờ đặt chung vào điện tĩnh.  Cụ sinh được một con trai: Huyền Diễn.
  1. Đời Thứ Hai: Cụ Huyền Diễn -- Cụ Huyền Diễn Lão Sư.  Ngày giỗ: mồng 7 tháng 5 âm lịch. Cụ nối nghiệp cha làm phù thủy. Cũng cao tay và có nhiều con công đệ tử. Khi còn sống đạo hiệu là: Huyền Diễn Pháp Sư.  Khi mất tên hèm là: Huyền Diễn Tiên Sư. Đến đời tôn mới đổi là: Huyền Diễn Lão Sư.  Bàn thờ đặt chung vào điện tĩnh.  Cụ sinh được một con trai: Pháp Trí.
  1. Đời Thứ Ba:  Cụ Pháp Trí -- Cụ Pháp Trí Tiên Sư.  Ngày giỗ: 27 tháng 11 âm lịch. Cụ nối nghiệp cha ông làm nghề phù thủy, cao tay, nổi tiếng. Cụ còn một tên mà thời bấy giờ thường gọi là: Thầy Trơi, vì đi đâu trong những đêm tối trời, cụ thường tập trung ánh lửa mà trơi lại làm đuốc soi đường. Đạo hiệu là: Pháp Trí Pháp Sư. Khi cụ mất tên hèm là: Pháp Trí Tiên Sinh. Đến đời tôn mới đổi là: Pháp Trí Tiên Sư. Bàn thờ đặt chung vào điện tĩnh. Cụ sinh được một con trai: Phúc Thọ.
  1. Đời Thứ Tư: Cụ Phúc Thọ -- Cụ Phúc Thọ Tiên Sư. Ngày giỗ: 15 tháng 2 âm lịch. Cụ nối nghiệp làm phù thủy cao tay. Cụ còn một tên nữa mà bấy giờ người ta quen gọi là: Thầy Mo, vì gặp năm đại hạn, cụ cho thu thập những mo cau lại làm thành những cái gầu nhỏ, đặt cạnh những hình nhân bằng rạ cót.  Ban đêm cụ luyện những hình nhân đó xử dụng gầu mo tát nước lên đồng.  Khi cụ mất tên hèm là: Phúc Thọ Tiên Sinh.  Đến đời tôn mới đổi là: Phúc Thọ Tiên Sư. Bàn thờ đặt chung vào điện tĩnh. Cụ sinh được một con trai: Pháp Gớm.
  1. Đời Thứ Năm: Cụ Pháp Gớm -- Cụ Pháp Gớm Tiên Sinh. Ngày giỗ: 14 tháng 12 âm lịch. Khi còn nhỏ cụ rất thông minh và tinh nghịch. Làm việc gì cũng khác người. Gia đình đặt tên là Gớm. Lớn lên cụ nối nghiệp làm phù thủy cao tay và táo bạo, không ai dám trêu.  Nếu không bằng lòng ai là cụ dùng pháp thuật để hành hạ. Cho nên những pháp môn lúc ấy đều kiêng nể, người thường đều sợ. Thời bấy giờ người ta quen gọi là Thầy Gớm. Khi mất tên hèm của cụ vẫn để nguyên là: Pháp Gớm Tiên Sinh. Cụ sinh được một con trai: Hoàng Bính.
  1. Đời Thứ Sáu: Cụ Hoàng Bính -- Thường gọi là Hiệp Bính. Ngày giỗ: 12 tháng 12 âm lịch. Cụ cũng nối nhiệp phù thủy, lại đọc nhiều sách nho giáo.  Thấy trong việc làm của bố đẻ có nhiều điều mà cụ cho là bá đạo, nên tuy giỏi đạo pháp nhưng cụ không thích nghề phù thủy gia truyền cho lắm! Cụ thường dùng pháp thuật để cứu người và làm phúc đức. Cụ lại có tinh thần thượng võ, tham gia vào đạo nghĩa quân, làm đến chức Hiệp Quản. Sau vì thất thế, cụ về quê. Ông cụ thân mất, cụ lại kế nghiệp làm thầy.  Là một thầy có uy tín và từ tâm, cụ được người đương thời rất mến phục. Người khắp nơi đến học đạo cụ rất đông. Cụ Hiệp trước kia sinh được một trai là Hoàng Triều, trong gia phả và các cụ trong họ trước đây có kể lại rằng, Cụ Hoàng Triều cũng nối nghiệp các ông cha làm nghề phù thủy rất giỏi, cụ hành nghề từ khi còn rất nhỏ. Trong một lần đi làm nghề tại khu vực Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên không may cụ mất vào ngày 14 tháng 4 âm lịch. Lúc ấy cụ khoảng 14-16 tuổi.  Cụ Hoàng Triều chưa lập gia đình mà đã mất sớm nên gọi là Cụ Mãnh Tổ.  Cụ Hiệp uất ức từ đó bỏ nghề làm phù thủy, lo chấn chỉnh lại việc nhà, nối dõi dòng giống của ông cha.  Sau đó, cụ sinh được thêm 3 trai: Cả: Hoàng Hạt (cụ tổ ngành cả), thứ: Hoàng Huỳnh (cụ tổ ngành thứ), út: Hoàng Luân (cụ tổ ngành út). Khi được 3 trai rồi, cụ càng tin vào quyết định của mình, coi nặng công việc gia đình, nhẹ việc bá đạo. Rồi từ đấy cụ thôi nghề phù thủy và để lại di chúc cho con cháu về sau đoạn tuyệt nghề này!



Gõ con chuột vào đường dẫn dưới đây để đọc bài thơ nói về 6 cụ Tổ đầu tiên của họ Hoàng:


Của cụ Hoàng Cao Phan (đời thứ 9)