Bài Thơ Viết Về 6 Cụ Tổ
Tác giả: Hoàng Cao Phan (Nguyệt Quế Tử)
(Tức Cụ Nhất Phan - Đời Thứ 9)
Mông mênh mặt nước Hồng Hà
Bắt nguồn từ vạn dặm xa đổ về
Chia làm trăm phái ngàn chi
Liêm Giang (1) một ngọn doành khi hữu tình
Huyện Chân Định phủ Thái Bình
Dưỡng Thông ấp cũ chảy quanh tài bồi
Đất màu, lúa tốt, cau sai
Nước trong, gạo trắng, đời đời mở mang...
Hậu Lê trong buổi nhiễu nhương
Về đây lập nghiệp họ Hoàng định cư
Kể từ Huyền Sảng Tổ Sư (đời thứ nhất)
Khơi nguồn bá đạo có dư pháp mầu
Một trai nối nghiệp đời sau
Lão Sư Huyền Diễn (đời thứ hai) đứng đầu pháp môn
Ông truyền bố, bố truyền con
Ba đời một ngọn bút son tung hoành
Tiên Sư Pháp Trí (đời thứ ba) lừng danh
"Thầy Trơi" chuyện lạ đã thành quen tai
Trừ gian cứu nạn giúp người
Gia truyền kế tiếp qua Đời Thứ Tư
"Thầy Mo" Phúc Thọ Tiên Sư (đời thứ tư)
Lời sai luyện, nén hương thư lạ lùng
Tiên Sư Pháp Gớm (đời thứ năm) nối dòng
Cao tay càng nảy thêm lòng kiêu căng
Triều Lê vừa lúc trung hưng
Tinh thần thượng võ bừng bừng khắp nơi
Họ Hoàng kể đã năm đời
Mỗi người thừa kế một người khói hương (2)
Đời sáu cụ Bính (đời thứ sáu) dẽ ngang
Nghỉ tay ấn quyết, theo đường kiếm cung
Xông pha đánh Bắc dẹp Đông
Làm nên Hiệu Úy Quân Trung một thời
Lược thao đương độ đua tài
Đau lòng trắc hỗ (3) ngậm ngùi về quê
Nghiệp xưa lại nối lấy nghề
Sáu đời phù thủy một bề độc đinh.
Hoàng Cao Phan
__________________
Ghi chú:
(1) Sông Lụ chia ranh giới làng Cao Bạt và làng Dưỡng Thông ngày xưa gọi tên chữ là Liêm Giang.
(2) Các cụ 5 đời đầu tiên, từ đời Thứ Nhất đến đời Thứ Năm, cụ nào cũng chỉ có một người con trai duy nhất.
(3) Kinh thư: Trắc bỉ Hỗ hề, chiêm vọng phụ hề. trắc bị Dĩ hề, chiêm vọng mẫu hề. Nghĩa là: Trèo lên núi Hỗ trông cha, trèo lên núi Dĩ trông mẹ. Người ta dùng điển tích "Trắc Hỗ" để chỉ bố chết, "Trắc Dĩ" để chỉ mẹ chết.
No comments:
Post a Comment